Phụng sự Hậu Yên Mộ Dung Đức

Dưới thời Mộ Dung Thùy

Trong thời gian trị vì của Mộ Dung Thùy, Mộ Dung Đức giữ vai trò là một quan lại và tướng lĩnh chính, và Mộ Dung Thùy thường nghe lời khuyên của ông. Trong những năm đầu tiên của Hậu Yên, ông thường tiến hành các chiến dịch để chiếm giữ các khu vực do các quân phiệt bán độc lập cai quản. Đặc biệt, khoảng tết năm 387, ông cùng với sự hỗ trợ của cháu trai Mộ Dung Long, đã đánh bại được một chư hầu của Đông Tấn là Ôn Tường (溫詳) và quân nổi loạn của Đông Tấn là Trương Nguyện (張願), chiếm được lãnh thổ ở gần Hoàng Hà.

Trong hoặc khoảng tết năm 388, Mộ Dung Đức đã kết hôn với Đoàn Quý Phi, em gái của vợ Mộ Dung Thùy, Hoàng hậu Đoàn Nguyên Phi. Người vợ trước đó của ông, nếu có, có thể đã bị xử tử khi ông nổi loạn cùng với Mộ Dung Thùy.

Năm 389, Mộ Dung Đức cùng với cháu trai là Mộ Dung Lân, đã tiến hành một chiến dịch thành công chống lại bộ lạc Hạ Lan (賀蘭) của người Tiên Ti, buộc tộc trưởng Hạ Lan Nột (賀蘭訥) phải khuất phục.

Năm 393, khi Mộ Dung Thùy tính đến việc chinh phục đối thủ Mộ Dung Vĩnh của Tây Yên để giành quyền thừa kế hợp pháp của Tiền Yên, hầu hết các triều thần đã phản đối, cho rằng quân Hậu Yên đã kiệt sức. Mộ Dung Đức là một trong số vào người đã chấp thuận đề xuất này và lý luận rằng Mộ Dung Vĩnh đã gây ra bối rối trong nhân dân về việc ai mới là người thừa kế hợp pháp. Mộ Dung Thùy quyết định tiến hành kế hoạch, và vào năm 394 Tây Yên đã bị tiêu diệt.

Năm 395, Mộ Dung Đức là một trong các tướng nằm dưới sự chỉ huy của thái tử Mộ Dung Bảo để trừng phạt nước Bắc Ngụy của vua Thác Bạt Khuê vì nước này đã tiến hành cướp bóc vùng biên giới của Hậu Yên, song với sự bất tài của Mộ Dung Bảo, quân Hậu Yên đã bị quân Bắc Ngụy đánh bại trong trận Tham Hợp Pha, và hầu hết binh sĩ đã bị Bắc Ngụy bắt rồi thảm sát.

Sau thất bại ở Tham Hợp pha, Mộ Dung Đức đã đề xuất với Mộ Dung Thùy rằng nếu ông chinh phục Bắc Ngụy, Bắc Ngụy sẽ là một mối đe dọa trong tương lai do Thác Bạt Khê nay đã xem thường Mộ Dung Bảo. Mộ Dung Thùy chấp thuận, và năm 396 đã lại tấn công Bắc Ngụy. Các chiến dịch ban đầu đã đạt được thành công, song khi quân Hậu Yên đi qua Tham Hợp pha, họ đã tỏ vẻ thê lương và điều này đã khiến cho Mộ Dung Thùy trở nên bối rối và tức giận rồi lâm bệnh. Quân Hậu Yên buộc phải rút lui, và Mộ Dung Thùy đã chết trên đường trở về kinh thành Trung Sơn (中山, nay thuộc Bảo Định, Hà Bắc). Mộ Dung Bảo lên kế vị phụ thân.

Dưới thời Mộ Dung Bảo

Sau khi Mộ Dung Bảo lên ngôi hoàng đế, ông đã lập Mộ Dung Đức làm đại tướng quân và trấn thủ Nghiệp Thành cùng phía nam đất nước. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bắc Ngụy lại tấn công Hậu Yên, và Mộ Dung Bảo đã quyết định chỉ phòng thủ các thành lớn ở đồng bằng Hà Bắc, và quân Bắc Ngụy đã có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ lãnh thổ còn lại. Cuối cùng, chỉ có Trung Sơn và Nghiệp Thành là còn nằm trong tay Hậu Yên. Mộ Dung Đức đã chiến đấu với quân Bắc Ngụy để giữ Nghiệp Thành, song trong lúc này, Mộ Dung Bảo đã bỏ Trung Sơn và chạy về cố đô của Tiền Yên là Long Thành (龍城, nay thuộc Cẩm Châu, Liêu Ninh), và Mộ Dung Đức đã mất liên lạc với cháu trai. Vào một số dịp, các thuộc hạ đã hỏi ông về việc xưng đế, song mỗi lần, sau khi nhận được tin Mộ Dung Bảo vẫn còn sống, ông đã không làm như vậy. Cuối năm 397, đề xuất của Mộ Dung Đức về việc Mộ Dung Bảo tiến xuống phía nam để thu hồi lại các lãnh thổ đã mất cuối cùng đã đến tay Mộ Dung Bảo, và Mộ Dung Bảo đã chấp thuận và chuẩn bị một chiến dịch lớn vào năm 398.

Tuy nhiên, trong khi đó, Mộ Dung Lân, người đã xưng đế trong một thời gian ngắn, đã chạy trốn đến Nghiệp Thành và đề nghị Mộ Dung Đức bỏ Nghiệp Thành (vì ông ta cho rằng quá lớn để có thể phòng thủ), và tiến về phía nam Hoàng Hà để đến Hoạt Đài (滑台, nay thuộc An Dương, Hà Nam). Mộ Dung Đức đã đồng ý, và đến mùa xuân năm 398, ông đã bỏ Nghiệp Thành và đem quân đến Hoạt Đài. Tại đây, Mộ Dung Lân đã nhường tước đế cho Mộ Dung Dức, và mặc dù Mộ Dung Đức từ chối, ông lại xưng tước hiệu Yên vương (tước hiệu mà Mộ Dung Thùy đã có) để thể hiện độc lập và lập nên nước Nam Yên.